Tạo mẫu công nghiệp bằng robotPGS-TS Lê Hoài Quốc, Khu Công nghệ cao TPHCM và nhóm cộng sự vừa nghiên cứu, chế tạo thành công một thiết bị robot có thể gia công cắt gọt, tạo hình tương đương một máy phay CNC 5 trục


 Đây là lần đầu tiên hướng nghiên cứu này được các nhà khoa học trong nước thực hiện thành công, mở ra triển vọng sản xuất, chế tạo dòng thiết bị robot trong nước để  phục vụ việc tạo hình công nghệ cao.

Nghiên cứu đón đầu

PGS-TS Lê Hoài Quốc chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết thiết bị robot này còn được gọi là robot song song 6 chân vì được vận hành và điều khiển bởi 6 chân (hexapod) sử dụng các động cơ tuyến tính tạo chuyển động trực tiếp. Robot song song – Hexapod, có các tính năng cơ bản của máy CNC, ứng dụng trong gia công cắt gọt, tạo hình bề mặt phức tạp, tạo hình như máy phay CNC 5 trục. Các thông số kỹ thuật cơ bản của Hexapod như sau: Nguồn điện: 25 KVA 3 phase 480 V; độ chính xác định vị: ± 0,022 µm; độ chính xác lặp lại: ± 0,008 µm; không gian hoạt động: X/Y/Z: 440/440/335 ; góc quay quanh trục A/B: 270;   chuẩn lập trình: G&M code, IEA… Nhóm nghiên cứu cũng thực hiện hoàn chỉnh các tài liệu công bố, hướng dẫn về quy trình công nghệ lắp ráp, vận hành, xử lý sự cố, bảo hành, bảo trì thiết bị robot Hexapod (theo TCVN).

Động cơ tuyến tính là một giải pháp công nghệ mới hiện được ứng dụng nhiều trong sản xuất công nghiệp và cả GTVT (dùng ở loại tàu đệm từ cao tốc). So với truyền động cơ khí kiểu truyền thống, giải pháp công nghệ động cơ tuyến tính có nhiều ưu điểm hơn, chẳng hạn như có thể đạt được mức dịch chuyển với tốc độ cao; giảm ma sát trong truyền động; có tuổi thọ rất dài… Hiện nay, tại các nước phát triển, giải pháp công nghệ động cơ tuyến tính được sử dụng rất phổ biến. Mặc dù có nhiều ưu  điểm về tính năng, hiệu quả khi sử dụng nhưng do giá thành còn khá cao nên giải pháp công nghệ động cơ tuyến tính vẫn chưa có mặt ở Việt Nam.

PGS-TS Lê Hoài Quốc cho biết hiện nay thì chưa, song trong thời gian tới với nhiều tính năng mới của giải pháp công nghệ động cơ tuyến tính, bắt buộc chúng ta phải sử dụng giải pháp công nghệ này, chẳng hạn như trong lĩnh vực cơ khí chính xác (gia công, tạo hình bề mặt phức tạp), đặc biệt là trong hướng hiện đại hóa phương tiện GTVT cho TPHCM nói riêng, cả nước nói chung (tàu đệm từ cao tốc). Có thể nói thành công của thiết bị robot song song – Hexapod không chỉ mở ra triển vọng sản xuất, chế tạo dòng thiết bị robot nói trên trong nước để  phục vụ việc tạo hình công nghệ cao mà còn tạo đà cho các viện, trường quan tâm đầu tư trong việc nghiên cứu, ứng dụng về giải pháp công nghệ động cơ tuyến tính.    

“Cánh tay nối dài” của y tế

Một chi tiết khá thú vị là thành công của đề tài nghiên cứu này ngoài những triển vọng ứng dụng vừa kể trên, còn có một ứng dụng độc đáo khác là “cánh tay nối dài” của lĩnh vực y tế. Với robot Hexapod vừa hoàn thành, bước đầu đã được ứng dụng  thử nghiệm gia công một số bề mặt phức tạp của các miếng vá sọ não, các bề mặt khớp gối, khớp vai… Hướng ứng dụng này nằm trong dự án nghiên cứu cơ y sinh thuộc chương trình công nghệ công nghiệp và tự động hóa của TPHCM.

Nhóm nghiên cứu cho biết dự kiến sẽ phát triển thêm một mẫu robot mới với chi phí đầu tư thấp hơn bằng cách sử dụng các động cơ servo truyền thống kết hợp với vit-me-bi thay thế cho các chân đang sử dụng các động cơ tuyến tính. Mẫu robot này sẽ chuyển giao phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học ở các viện, trường… 


                ĐỨC HUY