• ABOUT NGUYÊN SA
    Đất nước Việt Nam vào những thập niên 60-70, việc học có lắm khó khăn. Học sinh sau năm đệ Nhị (lớp 11) phải qua kỳ thi Tú Tài Một. Ðậu Tú Tài Một được lên lớp Ðệ Nhất (lớp 12.) Sau lớp đệ Nhất học sinh lại phải qua kỳ thi Tú Tài Hai, đậu mới được lên đại học. Năm lớp đệ Nhất, học sinh phải học một môn mới, đó là Triết học. Kỳ thi Tú Tài Hai cũng có môn Triết học. Học sinh ban A (Khoa Học) và ban B (Toán) phải học Triết Tây (Luâän Lý học, Ðạo Ðức học...) Học sinh ban C (Văn Chương) và ban D (Cổ ngữ) còn phải học thêm môn Triết Ðông nữa.
    Ông Nguyên Sa du học bên Pháp về nên giảng Triết Tây quả là thích hợp. Hồi đó bà Nguyên Sa mở trường Văn Học trên đường Phan Thanh Giản, quận Ba, Sài Gòn. Dĩ nhiên, ông Nguyên Sa dạy ở đây (cùng với một số những trường khác.) Học sinh theo học cũng khá đông. Trường này chuyên dạy lớp đệ Nhất và dạy luyện thi Tú Tài Hai. Nếu như tôi nhớ không lầm, trong một giai thoại nào đó có đề cập tới chuyện một thời gian trường Văn Học tăng cường thêm giáo sư Triết, Vĩnh Ðể nữa. Cặp giáo sư Sa-Ðể này đưa trường Văn Học lên hàng “độc cô cầu bại” về môn luyện thi triết học.
    Ông Nguyên Sa được học sinh rất nể phục và quý mến. (Dạy học mà được như vậy là nhất rồi đấy!) Học sinh nể phục kiến thức và phương pháp dạy của ông thầy. Còn học sinh quý mến nhân cách, con người của ông thầy. Học sinh nể phục và quý mến người thầy thì chăm chỉ học môn mà người thầy ấy dạy. Chưa hết, học sinh quý mến thầy cô nào thì thích trêu thầy cô ấy. Có lẽ đó cũng là một cách biểu lộ sự thích thú được gần gũi người thầy.
    Nguyên Sa có nhiều bài thơ, nhiều câu thơ hay, trong đó có hai câu thơ bất hủ:
    “Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc; 
    Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường... “
    (Tuổi Mười Ba)
    Thế mà bọn học sinh đổi thành: 
    “Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc, 
    Áo nàng đỏ tôi về yêu hoa... mào gà!” 
    Nghe vậy, ông Nguyên Sa rượt theo chúng nó chạy gần chết.
    Tuy nhiên, Nguyên Sa rất thông cảm, gần gũi với học trò. Giai đoạn cìn phục vụ ở trong quân ngũ (lính Sài Gòn cũ), có những lúc Nguyên Sa nhớ Sài Gòn và làm thơ để hỏi thăm Sài Gòn. Sài Gòn có nhiều cái gợi nhớ Nguyên Sa lắm, nhưng bên cạnh những lời hỏi thăm những cô gái trong bar bán rượu, những nhà trí thức, nhà làm chính trị trong cảnh một Sài Gòn nhiễu nhương, những dì ba, dì tư, dượng năm, dượng tám trong xóm bình dân có con cháu đi lính tử trận chưa có tiền tử tuất... còn có lời thăm hỏi những cô nữ sinh vẫn ngồi trên ghế nhà trường, trong lúc bọn nam sinh đã lần lượt theo nhau nhập ngũ. Chẳng hạn như:
    “Mạnh giỏi không em gái nữ sinh
    Hồi này đi học chắc ít bị tụi con trai nó phá
    Hồi này tụi nó bị đi cả
    Tội nghiệp những con ngựa hoang chạy trên cánh đồng tuổi trẻ
    Bây giờ bị mang vô
    Nhớ ngày tụi nó chọi phấn
    Tụi nó viết thơ nói bậy bạ
    Bỏ qua đi em gái
    Ðừng phiền tụi nó
    Tội nghiệp tụi nó
    Nghe em.
    (Hỏi Thăm Saigon)
    Hoặc một đoạn thơ mà lời thương cảm gửi đến cả các nữ sinh đến các nam sinh. Hèn chi học sinh cảm mến, gần gũi thầy Nguyên Sa.
    Vẫn theo Nguyên Sa, đời dạy học với trường lớp, học trò, bảng đen phấn trắng là những miếng ngon của cuộc đời. Như đã nói, ở trong quân ngũ, Nguyên Sa luôn nhớ đến những miếng ngon mà trong đời sống dân sự mình đã được hưởng. Bên cạnh “miếng văn nghệ,” “miếng thơ tình,” “miếng nhà in,” ông còn có những “miếng” của đời dạy học:
    “Miếng dạy học, ôi ngon,
    Miếng học trò trêu tao ôi ngon
    Ôi ngon miếng bảng đen
    Ôi ngon miếng phấn...
    (Nhìn Thấy Mình Trong Quân Trường Nhắn Bạn) 
    Qua đoạn thơ ngắn ngủi này, chúng ta thấy Nguyên Sa thích dạy học, yêu nghiệp dạy học, đam mê dạy học. Ðương nhiên, với thích, yêu, đam mê, cộng thêm kiến thức, phương pháp sư phạm, Nguyên Sa làm cho việc dạy trở thành một nghệ thuật, và hơn nữa, một miếng ngon của cuộc đời. 
    …Vào ngày 18/4/1998, giáo sư Trần Bích Lan (tức nhà thơ Nguyên Sa) đã từ giã chúng ta tại Quận Cam/ bang California, nước Mỹ, hưởng thọ 67 tuổi. Những ngày sau đó, và cho đến bây giờ, tuần nào cũng vậy, có một người phụ nữ vẫn đều đặn, xách cái túi, trong đó đựng một bình 2 lít nước lạnh, một cái khăn, 1 bó hoa, và một máy cắt cỏ nho nhỏ, đến nghĩa trang góc đường Bolsa và Beach, Quận Cam. Bà ta tìm đến săn sóc mộ phần của nhà thơ Nguyên Sa. Người phụ nữ đó tên Nga, “Hôm nay Nga buồn như con chó ốm, như con mèo ngái ngủ trên tay anh”. Đây cũng là hai câu thơ của bài thơ tên “Nga” mà Nguyên Sa đã làm vào đêm Giáng sinh 1954 tại Solden, nước áo, dành tặng cho người yêu tên Nga của mình. Sau đó, bài thơ này đã in tại Paris ngày 10/12/1955, thay giấy báo hỷ, báo tin cho bè bạn ở Paris biết là Trần Bích Lan và Trịnh Thúy Nga làm lễ thành hôn vào ngày 17/12/1955. Lại có chuyện rằng ông Giáo sư Trần Bích Lan thích ăn thịt bò khô, đá bóng với học trò. Những hình ảnh lý thú về ông Trần Bích lan, lúc ông ở Pháp về Sài Gòn năm 1956, đi dạy trường Chu Văn An, mà khi đến giờ ra chơi, giáo sư Trần Bích Lan cũng ra… chơi luôn với học trò, đá bóng với học trò, và cũng ăn thịt bò khô với học trò, đến nỗi ông hiệu trưởng xin: “Thầy Lan đừng như vậy nữa, vui lòng vào phòng giáo sư mà nghỉ ngơi, uống nước trà.”. Còn khi có dịp đến dự những buổi họp văn học, lúc nào ông cũng áo chemise cũng bỏ ra ngoài, đi dép và đội nón ni-lông rộng vành.
    Riêng sau biến cố của đất nước vào ngày 30/4/1975 (miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước) nhưng nhà thơ Nguyên Sa đã dứt áo ra đi và ở Pháp 3 năm, sau đó qua định cư ở California, Hoa Kỳ. Nơi xứ Mỹ ấy, ông lại tiếp tục làm việc, vẫn với vận tốc cao. Làm tạp chí Ðời, Phụ Nữ Việt Nam và tuần báo Dân Chúng. Ông cũng làm thơ trở lại, sáng tác đều đặn: Thơ Nguyên Sa tập 2, tập 3 và tập 4, sắp sửa ấn hành, thì ông đã rời bỏ cuộc đời, đi sang thế giới bên kia…
    Còn dưới đây là một bài thơ đáng chú ý khác của Nguyên Sa, xin mạo muội chép lại cho những ai quan tâm cùng ngẫm nghĩ:

    ÁO LỤA HÀ ĐÔNG 

    •  Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát .

      Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.

      Anh yêu màu áo ấy vô cùng

      Thơ của anh còn nguyên lụa trắng .

      Anh vẩn nhớ em ngồi đây tóc ngắn .

      Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh .

      Linh hồn anh vội vả vào trong hồn mở cửa

      Gặp một bửa anh mừng một bửa.

      Gặp hai hôm thành nhị kỷ của tâm hồn .

      Thơ học trò anh chất thành non.

      Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu

      Em không nói đả nghe từng giai điệu

      Em chưa nhìn đả rộng trời xanh .

      Anh vẩn trông lên bằng đôi mắt chung tình

      Với tay trắng em vào thơ diểm tuyệt.

      Em chợt đến chợt đi anh vẩn biết .

      Trời chợt mưa chợt nắng chẳng vì đâu .

      Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau ?

      Để anh gọi tiếng thơ buồn vọng lại .

      Để anh giận mắt anh nhìn vụng dại .

      Giận thơ anh chẳng  nói nên lời .

      Em đi rồi sám hối chạy trên môi.

      Những ngày tháng trên vai buồn bổng nặng .

      Em ở đâu hởi mùa thu tóc ngắn .

      Gửi hộ anh màu áo lụa Hà Đông .

      Anh vẩn yêu màu áo ấy vô cùng .

      Gửi hộ anh bài thơ tình lụa trắng .

       Nguyên Sa